Thứ Ba, 29 tháng 11, 2011

Cách mạng nhung lụa

Cách mạng cam, hạt dẻ, hoa hồng, hoa cúc, hoa nhài, nhung, mùa xuân Ả rập,... là những cái tên gắn với những cuộc "biểu tình hoà bình" rầm rộ tại các nước Đông Âu, Trung Đông, Bắc Phi,... Vậy đâu là sự thật của các tên gọi đó?
  • "Cách mạng da cam" tại U-crai-na


  • "Cách mạng nhung" tại Nam Tư
  • "Cách mạng nhung" tại Gru-di-a
  • Sự kiện "Thiên An Môn" tại Bắc Kinh
  •   Kịch bản "cách mạng nhung"
  •  Vấn đề rút ra

Thứ Tư, 23 tháng 11, 2011

Âm mưu "Cách mạng hoa sen" của các thế lực thù địch tại Việt Nam.

  • Thời gian qua, sau những biến động chính trị gắn với những cái gọi là “cách mạng hoa nhài” ở Ai Cập, Tuy-ni-di, Li-bi, một số kẻ phản động trong và ngoài nước đang hí hửng cho rằng, các cuộc “cách mạng” ấy chẳng bao lâu sẽ lan tới Việt Nam. Chúng kích động những người nhẹ dạ cả tin, kêu gọi biểu tình, “tập dượt” cho một cuộc “cách mạng hoa sen” để lật đổ chế độ XHCN.
Nhận diện một âm mưu
Trước hết, có thể nhận thấy ngay đây là một chiêu bài “Diễn biến hòa bình”, lợi dụng các trào lưu xã hội trên thế giới để phát động phong trào chống đối, đi tới lật đổ chế độ XHCN ở Việt Nam. Ở đây, từ “cách mạng” đã bị lạm dụng đến mức nguy hiểm. Trên thực tế, những cuộc “cách mạng nhung”, “cách mạng cam”, “cách mạng hoa nhài” hay hoa gì đi chăng nữa không hề tạo ra một sự biến đổi xã hội mang tính sâu sắc, toàn diện, tạo bước ngoặt thay đổi về chất trong mọi lĩnh vực xã hội, thay thế hình thái kinh tế - xã hội lỗi thời, lạc hậu bằng hình thái xã hội cao hơn mà thực chất chỉ là cuộc lật đổ chế độ bằng các thủ đoạn phi bạo lực kết hợp với bạo lực ở mức độ khác nhau. Sự độc tài, bất công chẳng những không mất đi mà còn trầm trọng hơn, đổ máu nhiều hơn, nghèo đói nhiều hơn, bất ổn nhiều hơn. Vì vậy, không thể gọi đó là một cuộc cách mạng dù nó có mang màu sắc sặc sỡ bao nhiêu, mang tên loài hoa đẹp bao nhiêu đi chăng nữa! Đặc biệt, hoa sen, một loài hoa với vẻ đẹp Việt Nam và mang nhiều triết lý nhân sinh Việt Nam, không thể gắn với những âm mưu và hành động đi ngược lợi ích của Tổ quốc, dân tộc, mang lại khổ đau, chém giết, huynh đệ tương tàn.
Tại nhiều diễn đàn, mạng xã hội trên internet hiện nay, các thế lực thù địch hải ngoại có khá nhiều bài viết, thậm chí cả các chương trình truyền hình, đối thoại, bàn luận khá rầm rĩ về “cách mạng hoa nhài và hiện tình Việt Nam”. Một số nhân vật chống Cộng say sưa phân tích thế sự từ Tây sang Đông, từ chuyện Ai Cập, Tuy-ni-di, Li-bi... để "soi rọi", "cảnh báo cho quốc dân đồng bào trong nước". Chúng cho rằng, một cuộc cách mạng dân chủ theo kiểu mẫu của phương Tây, có thể tạo ra cuộc “chuyển giao quyền lực êm đềm, không đổ máu” ở Việt Nam. Chúng huênh hoang, bất chấp lý luận về cách mạng xã hội khi lập luận: "Cách mạng hoa nhài" mang tính tự phát của quần chúng, không cần gắn liền với một ý thức hệ, cương lĩnh hay tổ chức nào cả và đây lại là một yếu tố quan trọng góp phần thành công mà những cuộc cách mạng trước kia không có. Kiểu “lý luận” này thực sự chỉ là một kiểu suy luận bừa. Lê-nin từng nói: “Không có lý luận cách mạng thì không có phong trào cách mạng”. Nếu cuộc cách mạng không cương lĩnh, không tổ chức, thì cuộc cách mạng đó vì ai, dựa vào đâu? 

Sự thâm độc, xảo quyệt của chiêu bài này càng lộ rõ khi các thế lực phản động và thù địch "mách" rõ những cách làm rất cụ thể, tỉ mỉ cho từng giai tầng, lực lượng xã hội ở Việt Nam. Chúng luôn đề cao vai trò của các mạng xã hội và công cụ internet, từ facebook, youtube đến twitter, thậm chí điện thoại di động là “vũ khí hữu hiệu” trong việc tập hợp lực lượng nổi dậy ở nhiều nước. Từ đó, chúng kích động giới trẻ Việt Nam hãy tận dụng lợi thế của sự phát triển internet để “hành động”. Chúng cũng cho rằng cách mạng “hoa sen” thuận lợi hơn vì dân số trẻ, sẽ đi theo từng nấc thang để chính quyền khó đàn áp. Chúng đưa ra các bước hành động: Ban đầu chỉ kêu gọi nhau tụ tập mặc áo trắng ở chỗ đông người rồi dần dần tiến tới tụ tập vì biển, đảo, vì kinh tế khó khăn. “Hương hoa nhài, hoa sen” sẽ khích lệ tiếng nói đối kháng qua các phong trào cùng ký tên vào tâm thư, thỉnh nguyện, các bản tuyên cáo, kiến nghị nào đó để tạo dư luận xã hội. Ở nấc thang cao hơn, sẽ phát động biểu tình sẽ hướng tới phản đối những hạn chế trong điều hành, quản lý kinh tế, những tiêu cực xã hội rồi tiến tới kêu gọi lật đổ chính quyền, phát động phong trào “toàn dân xuống đường... cứu nước”. Chúng lại đưa ra chiêu bài kêu gọi: “Quân đội nhân dân sẽ thực sự là của nhân dân nên sẽ không bắn vào người biểu tình. Lực lượng công an và quân đội hãy trở về với nghĩa vụ giúp đỡ và bảo vệ nhân dân, vốn đã sinh ra và nuôi nấng mình”. Khi các cuộc biểu tình đã được đẩy lên ở mức cao tại các thành phố lớn, sẽ có sự hà hơi tiếp sức của các tổ chức phản động trong và ngoài nước, rồi chúng sẽ kêu gọi sự can thiệp của nước ngoài... Nhìn lại một vài cuộc tụ tập đông người vừa qua, có nhiều dấu hiệu cho thấy đã có bàn tay kích động, đứng sau của các thế lực thù địch theo một “kịch bản” dài hơi. 

Đẩy lùi, ngăn chặn và làm thất bại
Những chiêu bài, thủ đoạn thâm độc trên, may thay, đã sớm bị bóc trần. Ngay tại cộng đồng hải ngoại, đã có không ít ý kiến khách quan, phản đối thẳng thừng âm mưu “cách mạng hoa sen”. Ông Phúc Nguyễn, một Việt kiều sống ở Hoa Kỳ khi được hỏi về một cuộc "cách mạng hoa nhài" ở Việt Nam đã thẳng thắn nói: “Không thể có một cuộc cách mạng như thế và cũng không cần phải có. Bởi nó chỉ làm xã hội Việt Nam xấu đi khi đất nước đang phát triển đầu tư, hòa bình. Vả lại, cách quản lý xã hội ở Việt Nam chặt chẽ, không thể xảy ra chuyện như ở một số nước gần đây”.

Tuy nhiên, để ngăn chặn, đẩy lùi và làm thất bại hoàn toàn âm mưu phát động những cuộc “cách mạng” như thế, cần sự quan tâm nghiên cứu, phân tích, làm rõ bản chất các trào lưu, hiện tượng xã hội và tình hình thế giới đầy biến động sâu sắc và phức tạp hiện nay. Dư luận xã hội, đặc biệt là nhận thức của thế hệ trẻ cần phải được định hướng rõ ràng, phân biệt giữa bản chất và hiện tượng, các mối liên hệ giữa các sự kiện để tránh sa vào cực đoan, bị kích động, lôi kéo. Nhìn lại một số sự kiện quốc tế vừa qua, các phương tiện báo chí, truyền thông có lúc, có nơi mới chỉ phản ánh được bề nổi của sự kiện, cần có nhiều hơn những đánh giá, bình luận mang tầm khái quát, phân tích rõ bản chất các hiện tượng, sự kiện, định hướng dư luận xã hội một cách tích cực.

Về mặt quản lý, rõ ràng những biện pháp bảo vệ trật tự trị an, an ninh xã hội vừa qua là rất cần thiết và cần được duy trì hiệu quả hơn nữa. Ở Việt Nam, Đảng, Nhà nước khuyến khích các ý kiến phản biện xã hội mang tính xây dựng, khuyến khích đấu tranh chống tiêu cực xã hội, tham ô, quan liêu, cửa quyền... Tuy nhiên, những âm mưu và hành vi lợi dụng đấu tranh chống tiêu cực hay lợi dụng dân chủ để chống đối chế độ XHCN sẽ phải được xử lý nghiêm minh theo đúng pháp luật.

Chúng ta không cần một cuộc “cách mạng hoa sen, hoa nhài” hay loài hoa nào khác, mà kiên trì con đường cách mạng xã hội chủ nghĩa mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn. Chúng ta nhận thức sâu sắc rằng, thời kỳ quá độ lên CNXH là một quá trình đầy khó khăn, gian khổ, kéo dài. Chỉ có sự đoàn kết, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, nhìn thẳng vào sự thật, đấu tranh đẩy lùi tham nhũng, lãng phí và các tiêu cực xã hội, hạn chế các yếu kém trong quản lý, điều hành xã hội vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh mới giúp cho cách mạng XHCN sớm thành công. Cái gọi là “cách mạng màu, cách mạng hoa” mà các thế lực thù địch đang mưu toan chỉ là sự lừa phỉnh nhân dân!

 (Theo Nguyễn Văn Minh - Báo Quân đội nhân dân )

Chủ Nhật, 30 tháng 10, 2011

Thủ đoạn chiến lược "Diễn biến hòa bình", "Bạo loạn lật đổ" của các thế lực thù địch

Âm mưu, thủ đoạn của chiến lược"Diễn biến hoà bình"đối với Việt Nam

Chủ nghĩa đế quốc cùng các thế lực thù địch luôn coi Việt Nam là một trọng điểm trong chiến lược "Diễn biến hoà bình" chống chủ nghĩa xã hội. Từ đầu năm 1950 đến 1975, chủ nghĩa đế quốc dùng hành động quân sự để xâm lược và muốn biến Việt Nam thành thuộc địa vĩnh viễn của chúng nhưng cuối cùng đã bị thất bại hoàn toàn. Sau khi sử dụng những đòn tấn công bằng quân sự để xâm lược Việt Nam không thành công, chúng đã chuyển sang chiến lược mới như "bao vây cấm vận kinh tế", "cô lập về ngoại giao" kết hợp với "diễn biến hoà bình", bạo loạn lật đổ nhằm xoá bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Lợi dụng thời kì nước ta gặp nhiều khó khăn về kinh tế - xã hội, từ năm 1975 - 1994 do hậu quả của chiến tranh để lại và sự biến động chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô, Đông Âu, các thế lực thù địch càng ráo riết đẩy mạnh “diễn biến hoà bình” đối với Việt Nam.

Từ năm 1995 đến nay, trước những thắng lợi to lớn của công cuộc đổi mới toàn diện đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo, thì các thế lực thù địch lại tiếp tục điều chỉnh thủ đoạn chống phá cách mạng nước ta. Chúng đã tuyên bố xoá bỏ "cấm vận kinh tế" và bình thường hoá quan hệ ngoại giao để chuyển sang thủ đoạn mới, đẩy mạnh hoạt động xâm nhập như : "dính líu", "ngầm", "sâu, hiểm" nhằm chống phá cách mạng Việt Nam.

Mục tiêu nhất quán của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch trong sử dụng chiến lược "diễn biến hoà bình" đối với Việt Nam là thực hiện âm mưu xoá bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, xoá bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa, lái nước ta đi theo con đường chủ nghĩa tư bản và lệ thuộc vào chủ nghĩa đế quốc,... Để đạt được mục tiêu đó, các thế lực thù địch không từ bỏ bất kì thủ đoạn chống phá nào như sử dụng bạo lực phi vũ trang, bạo lực vũ trang, kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội,...Chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch chống phá cách mạng nước ta hiện nay là toàn diện, trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, tinh vi, thâm độc và nhiều thủ đoạn tinh vi khó nhận biết, cụ thể:

  • Thủ đoạn về kinh tế. Chúng muốn chuyển hoá nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam dần dần theo quỹ đạo kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa. Khích lệ thành phần kinh tế tư nhân phát triển, từng bước làm mất vai trò chủ đạo của thành phần kinh tế nhà nước. Lợi dụng sự giúp đỡ, viện trợ kinh tế, đầu tư vốn, chuyển giao công nghệ cho Việt Nam để đặt ra các điều kiện và gây sức ép về chính trị, từng bước chuyển hoá Việt Nam theo con đường tư bản chủ nghĩa.
  • Thủ đoạn về chính trị. Các thế lực thù địch kích động đòi thực hiện chế độ "đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập", "tự do hoá" mọi mặt đời sống xã hội, từng bước xoá bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Chúng tập hợp, nuôi dưỡng các tổ chức, phần tử phản động trong nước và ngoài nước, lợi dụng các vấn đề "dân chủ", "nhân quyền", "dân tộc", "tôn giáo" để chia rẽ mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân và khối đại đoàn kết toàn dân tộc, làm mất đi vai trò lãnh đạo của Đảng. Tận dụng những sơ hở trong đường lối của Đảng, chính sách của nhà nước ta, sẵn sàng can thiệp trắng trợn bằng sức mạnh quân sự để lật đổ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.
  • Thủ đoạn về tư tưởng - văn hoá. Chúng thực hiện nhiều hoạt động nhằm xoá bỏ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Phá vỡ nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam, ra sức truyền bá tư tưởng tư sản vào các tầng lớp nhân dân. Lợi dụng xu thế mở rộng hợp tác quốc tế, du nhập những sản phẩm văn hoá đồi trụy, lối sống phương Tây, để kích động lối sống tư bản trong thanh niên từng bước làm phai mờ bản sắc văn hoá và giá trị văn hoá của dân tộc Việt Nam.
  • Thủ đoạn trong lĩnh vực tôn giáo - dân tộc. Chúng lợi dụng những khó khăn ở những vùng đồng bào dân tộc ít người, những tồn tại do lịch sử để lại, trình độ dân trí của một bộ phận đồng bào còn thấp và những khuyết điểm trong thực hiện các chính sách dân tộc, tôn giáo của một bộ phận cán bộ để kích động tư tưởng đòi li khai, tự quyết dân tộc.Lợi dụng chính sách tự do tôn giáo của Đảng, Nhà nước ta để truyền đạo trái phép để thực hiện âm mưu tôn giáo hoá dân tộc, từng bước gây mất ổn định xã hội và làm chệch hướng chế độ chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
  • Thủ đoạn trên lĩnh vực quốc phòng, an ninh. Các thế lực thù địch lợi dụng xu thế mở rộng, hợp tác quốc tế, thực hiện xâm nhập, tăng cường hoạt động tình báo thu thập bí mật quốc gia. Chúng kích động đòi phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh và đối với lực lượng vũ trang. Đối với quân đội và công an, các thế lực thù địch chủ trương vô hiệu hoá sự lãnh đạo của Đảng với luận điểm "phi chính trị hoá" làm cho các lực lượng này xa rời mục tiêu chiến đấu.
  • Thủ đoạn trên lĩnh vực đối ngoại. Các thế lực thù địch lợi dụng chủ trương Việt Nam mở rộng hội nhập quốc tế, mở rộng quan hệ hợp tác với các nước trên thế giới để tuyên truyền và hướng Việt Nam đi theo quỹ đạo của chủ nghĩa tư bản. Hạn chế sự mở rộng quan hệ hợp tác của Việt Nam đối với các nước lớn trên thế giới, tìm cách ngăn cản những dự án đầu tư quốc tế vào Việt Nam. Đặc biệt, chúng rất coi trọng việc chia rẽ tình đoàn kết hữu nghị giữa Việt Nam với Lào, Campuchia và các nước xã hội chủ nghĩa, hạ thấp uy tín của nước ta trên trường quốc tế.
Bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch chống phá cách mạng Việt Nam.

Các thế lực thù địch chú trọng nuôi dưỡng các tổ chức phản động sống lưu vong ở nước ngoài và kết hợp với các phần tử cực đoan, bất mãn trong nước gây rối, làm mất ổn định xã hội ở một số vùng nhạy cảm như Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ của Việt Nam. Chúng tiến hành nhiều hoạt động xảo quyệt để lôi kéo, mua chuộc quần chúng nhân dân lao động đứng lên biểu tình chống lại chính quyền địa phương. Vùng Tây Bắc, chúng kích động người H’Mông đòi thành lập khu tự trị riêng. Vùng Tây Nguyên, chúng ra sức tuyên truyền thành lập nhà nước Đề Ga, chờ thời cơ thuận lợi để tiến hành lật đổ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.


  • Thủ đoạn cơ bản mà các thế lực thù địch đã sử dụng để tiến hành bạo loạn lật đổ chính quyền ở một số địa phương nước ta là: kích động sự bất bình của quần chúng, dụ dỗ và cưỡng ép nhân dân biểu tình làm chỗ dựa cho lực lượng phản động trà trộn hoạt động đập phá trụ sở, rồi uy hiếp khống chế cơ quan quyền lực của địa phương. Trong quá trình gây bạo loạn, bọn phản động tìm mọi cách để mở rộng phạm vi, quy mô, lực lượng và kêu gọi sự tài trợ tiền của, vũ khí ngoài nước vào để tăng sức mạnh.
Yêu cầu đặt ra là phải nâng cao cảnh giác cách mạng, kịp thời phát hiện âm mưu bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch, dự báo đúng thủ đoạn, quy mô, địa điểm và thời gian. Nắm vững nguyên tắc xử lí trong đấu tranh chống bạo loạn lật đổ là: nhanh gọn, kiên quyết, linh hoạt, đúng đối tượng, sử dụng lực lượng và phương thức đấu tranh phù hợp, không để lan rộng kéo dài